HỘI THẢO – ĐÀO TẠO – TƯ VẤN DI TRUYỀN HỖ TRỢ SINH SẢN 2019

Vào 8h30 – 12h00, ngày 5/4/2019, Intesco chúng tôi hân hạnh đồng tài trợ, cùng phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tư vấn Di truyền hỗ trợ sinh sản 2019, tại Gem Center – 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa kao, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Hội nghị có sự chủ trì và báo cáo của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Di truyền Y học và Hỗ trợ sinh sản:
* PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Tp Hồ Chí Mình.
* GS.TS Trương Đình Kiệt – Viện trưởng Viện Di truyền Y học.
* GS.TS Nguyễn Đình Tảo – Chủ tịch Hội hỗ trợ sinh sản Hà Nội, GĐ TT Hỗ trợ sinh sản BV Đa khoa 16A.
* TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.
* TS.BS Trần Nhật Thăng – Phụ trách Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh…
* Và sự tham gia của 200 đại biểu, chuyên gia, bác sĩ trong nước và quốc tế về sản khoa, thụ tinh trong ống nghiệm, các nhà phôi học,…

Chủ đề của hội nghị tập trung cập nhật thông tin về các phương pháp ứng dụng phân tích di truyền trong hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam. Các chuyên gia sẽ chia sẻ và thảo luận về các nội dung: Tổng quan Hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam, Những giới hạn và hướng tối ưu cho công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, Các ứng dụng xét nghiệm di truyền trong hỗ trợ sinh sản, PGT- Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ và NIPT – phương pháp chẩn đoán di truyền trước sinh không xâm lấn,….

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ XXI. Và Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Theo như báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, tương đương với hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề về vô sinh, hiếm muộn.

Bên cạnh vấn đề vô sinh hiếm muộn, số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền và dị tật bẩm sinh ở nước ta cũng không hề nhỏ. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, trong đó: khoảng 1.400 – 1.800 trẻ mắc hội chứng Down (Trisomy 21); 200 – 250 trẻ mắc hội chứng Edwards (Trisomy 18); 1.000 – 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; khoảng 2.200 trẻ mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh)…

Do đó, việc ứng dụng phân tích di truyền trong điều trị vô sinh hiếm muộn, sàng lọc và chẩn đoán các hội chứng di truyền trước sinh mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

PGT – Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ hay là phương pháp được sử dụng để sàng lọc các bất thường về lệch bội và cấu trúc nhiễm sắc thể của phồi để tránh việc chuyển một phối mang các bất thường nhiễm sắc thể nghiêm trọng vào tử cung người mẹ. PGT được coi là một công cụ bổ sung cho việc đánh giá phôi truyền thống (dựa vào hình thái phôi) trong thực hành Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hiện nay.

NIPT (Non-Invasive Prenatal Testing) là phương pháp chẩn đoán di truyền trước sinh không xâm lấn được Hiệp hội ISPD (International Society for Prenatal Diagnosis) khuyến cáo nên là xét nghiệm đầu tiên cho tất cả phụ nữ mang thai. Khác với phương pháp xâm lấn như chọc ối, sinh thiết gai nhau có thể gây sảy thai với tỷ lệ 1/500, NIPT chỉ sử dụng từ 7- 10ml máu của mẹ bầu, an toàn tuyệt đối cho thai nhi và thai phụ. Phương pháp này có thể thực hiện ngay từ tuần thai thứ 10, cho kết quả chính xác lên tới 99,98%, hỗ trợ các bác sĩ tư vấn kịp thời cho thai phụ.

TỔNG KẾT SAU HỘI NGHỊ

Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của gần 300 bác sĩ, chuyên viên phôi học, kỹ thuật viên đang làm việc trong lĩnh vực sản-phụ khoa, hỗ trợ sinh sản cùng một số chuyên gia nước ngoài .

Tại hội nghị, các bác sĩ, chuyên viên được cập nhật thêm những kiến thức về di truyền, các phương pháp giúp tăng tỉ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm và phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT… Chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục CME được Intesco và 2 đơn vị khác tài trợ chi phí cũng như hỗ trợ gửi về địa chỉ đăng kí của các bác sĩ.